Thang máy sử dụng công nghệ truyền động cáp kéo là dòng thang máy được lắp đặt phổ biến nhất trong các công trình nhà ở hiện nay. Với những đặc điểm vượt trội, dòng thang máy gia đình cáp kéo được đánh giá cao nhờ khả năng vận hành an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về cấu tạo và nguyên lý làm việc của thang máy gia đình cáp kéo. Vì vậy đã dẫn đến những nhận định không chính xác về dòng thang máy đặc biệt này.
Thang máy gia đình cáp kéo là gì?
Thang máy gia đình cáp kéo là dòng thang máy sử dụng công nghệ truyền động cáp kéo và được lắp đặt trong các công trình nhà ở. Với thiết kế đơn giản và có thể được ứng dụng trong nhiều công trình có diện tích xây dựng hạn chế. Dòng thang máy sử dụng công nghệ truyền động cáp kéo là một trong những giải pháp xây dựng hiệu quả giúp tiết kiệm diện tích xây dựng cho công trình nhà ở.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, quỹ đất xây dựng tại các thành phố lớn ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Dẫn đến thực trạng các công trình nhà ở được thiết kế cao tầng với diện tích mặt sàn nhỏ. Do đó, thang máy cáp kéo là lựa chọn tối ưu mang đến tiện ích và khả năng hỗ trợ di chuyển cho các thành viên trong gia đình.
Cấu tạo của thang máy cáp kéo
Để hiểu rõ nguyên lý làm việc của thang máy gia đình cáp kéo, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu các bộ phận cấu tạo nên hệ thống thang máy đặc biệt này. Những thiết bị và bộ phận chính trong hệ thống thang máy cáp tải sẽ kết hợp với nhau giúp thang máy có thể hoạt động an toàn và hiệu quả. Theo đó, các bộ phận đóng vai trò vận hành trong hệ thống thang máy gia đình cáp kéo bao gồm:
- Động cơ máy kéo: Motor máy kéo đóng vai trò chính giúp kéo cabin thang máy di chuyển lên, xuống trong quá trình hoạt động.
- Pully thang máy: Đóng vai trò dẫn động trong hệ thống thang máy, đảm bảo tác động quay từ động cơ máy kéo sẽ nâng, hạ cabin dễ dàng và chính xác.
- Tủ điện: Được cấu thành từ hệ thống điều khiển tín hiệu và hệ thống điều khiển động lực. Tủ điện đóng vai trò như “bộ não” và điều khiển toàn bộ hoạt động của hệ thống thang máy.
- Đối trọng: Có chức năng tạo lực căng cáp, từ đó tạo lực ma sát nhất định giữa cáp và pully. Ngoài ra, đối trọng còn giúp giảm công suất máy kéo, thay vì phải kéo nguyên khối lượng của cabin và khối lượng tải của thang thì khi có đối trọng mức tải mà động cơ phải kéo chỉ bằng ½ tải trọng của thang.
- Cáp tải: Là những sợi cáp kết nối động cơ máy kéo với cabin thông qua pully giúp kéo cabin lên, xuống.
- Cabin thang máy: Là không gian chứa hành khách trong quá trình thang máy hoạt động. Hành khách có thể điều khiển thang máy di chuyển đến các tầng trong tòa nhà bằng cách bấm chọn nút điều khiển hoặc nút chọn tầng mong muốn.
Ngoài ra, còn có rất nhiều thiết bị và bộ phận khác đóng vai trò đảm bảo an toàn cho hệ thống thang máy trong quá trình hoạt động.
Nguyên lý hoạt động của thang máy cáp kéo
Khi hành khách sử dụng thang máy và bấm chọn số tầng mong muốn, tín hiệu sẽ được hệ thống điều khiển tại tủ điện tiếp nhận và phân tích, xử lý. Sau đó, hệ thống điều khiển sẽ chuyển tín hiệu đến biến tần điều khiển động cơ quay theo chiều đúng. Cabin được gắn với đối trọng thông qua cáp tải và được cuốn qua pully, khi động cơ quay, pully kéo cabin dọc theo rail thang máy dẫn đến đúng vị trí và mở cửa cho phép hành khách di chuyển an toàn ra khỏi cabin.
Nếu cabin thang máy di chuyển với tốc độ không chính xác, ngay lập tức thắng cơ sẽ hoạt động và kẹp chặt cabin vào rail dẫn hướng. Bên cạnh đó, những hệ thống thang máy gia đình sử dụng công nghệ truyền động cáp tải còn được trang bị rất nhiều hệ thống bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng như: hệ thống cứu hộ tự động, hệ thống cảm biến an toàn cửa…Những hệ thống này sẽ hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố thang máy di chuyển, giúp quá trình sử dụng thang máy trở nên an toàn và hiệu quả hơn.