Để thang máy có thể vận hành, cửa thang máy là một bộ phận có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả sử dụng thiết bị. Hiểu rõ về các loại cửa thang sẽ giúp chúng ta chủ động hơn và dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định chọn cho công trình của mình loại nào phù hợp nhất.
MỘT SỐ LOẠI CỬA THANG MÁY THÔNG DỤNG TRÊN THỊ TRƯỜNG
Các loại cửa thang máy được chia ra thành 2 dạng: Cửa mở tự động và cửa mở tay. Các dạng cửa được phân chia dựa vào nguyên tắc mở cửa thang, cửa mở từ trung tâm hay cửa lùa về một phía. Đối với mỗi dạng cửa thang thì sẽ có những cách thức hoạt động riêng biệt kèm những đặc tính phù hợp với những loại công trình khác nhau.
Cửa thang máy 2 cánh mở từ trung tâm – CO
Đây là loại cửa thường thấy và phổ biến nhất, loại cửa này có 2 cánh mở từ trung tâm về 2 phía. Cửa CO thường được sử dụng cho các công trình tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn, thậm chí là nhà ở… Loại cửa này phù hợp với việc phục vụ cho những công trình có tần suất sử dụng thang lớn.
Cửa thang máy 4 cánh mở từ trung tâm – 4C
Cũng tương tự như CO, loại cửa 4C cũng mở từ trung tâm về 2 phía nhưng khác ở chỗ loại cửa này có 4 cánh. Ưu điểm của cửa 4C so với cửa CO là khi dùng loại cửa này sẽ tận dụng được tối đa khoảng mở cửa. Với chiều ngang hố thang hẹp nhưng muốn khoảng mở cửa rộng tối đa thì đây là một phương án đáng để cân nhắc. Nhược điểm của loại cửa này so với cửa CO là thời gian mở cửa lâu hơn.
Cửa lùa mở về 1 phía – 2S
Cũng có ưu điểm như cửa 4C là tận dụng được tối đa khoảng mở cửa, giúp tiết kiệm diện tích và mở rộng phòng thang nhưng do đặc tính các cánh cửa xếp lên nhau mở về một phía làm ta có cảm giác thang bị lệch. Loại cửa này không được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ song lại có khả năng vận hành êm ái, ổn định và hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại thực tế đối với những công trình cần chiều rộng khoảng mở cửa như thang tải bệnh viện hay thang tải hàng. Riêng đối với cửa lùa, tùy thuộc vào thiết kế và nhu cầu mà có thể linh động số cánh cửa chứ không chỉ cố định là 2 cánh. Số cánh cửa được thiết kế có thể lên đến 3, 4… hoặc nhiều hơn để phù hợp với yêu cầu riêng biệt của mỗi công trình.
Cửa thang máy mở bằng tay
Bên cạnh các loại cửa mở tự động thì cửa thang máy mở tay cũng là một lựa chọn được sử dụng ở một số công trình, tuy nhiên độ phổ biến thấp hơn so với dòng cửa tự động. Các loại cửa thang này đòi hỏi người dùng cần tự mình đóng mở cửa khi cần ra hoặc vào thang máy. Tương tự với cửa thang tự động thì thang máy mở bằng tay cũng có 3 dạng cơ bản, tùy vào mục đích sử dụng mà bạn có thể cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp cho mình.
Cửa thang thiết kế dạng cửa thông phòng
Những thiết bị thang máy tải khách có tải trọng lớn thường sẽ không sử dụng loại cửa này. Thiết kế dạng cửa này chỉ phù hợp với những công trình nhỏ hay thang máy gia đình. Cửa thang được thiết kế tương tự như cửa phòng, có tay nắm để đóng mở cửa. Do không có nhiều yêu cầu cụ thể và cơ bản về kích thước nên việc lắp đặt cũng được đơn giản hóa và tạo nên ưu điểm cho loại cửa này nhờ sự linh hoạt trong kích thước. Tuy nhiên, một vấn đề không thể phủ nhận được là dòng thang máy sử dụng cửa mở tay vẫn tồn tại những bất tiện, mất thời gian và đôi khi gặp sự cố không mong muốn.
Cửa sắt xếp mở tay
Phù hợp với những công trình thô sơ, đơn giản, không có yêu cầu cao về tính thẩm mỹ. Mức giá thành của cửa sắt xếp khá nhẹ nhàng, thấp hơn nhiều so với các loại cửa thang máy còn lại nên nếu sử dụng với mục đích chở hàng hóa, chú trọng khoảng mở cửa rộng chứ không yêu cầu “nhan sắc” quá nhiều thì có thể cân nhắc, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoảng tiền kha khá mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của bạn.
Cửa mở tay lên xuống
Loại cửa này thường được sử dụng cho dòng thang máy tải thực phẩm trong các khách sạn, nhà hàng. Điều đặc biệt là loại cửa này hoạt động theo trục dọc, cửa sẽ được kéo lên và hạ xuống thay vì theo chiều ngang như các loại cửa khác.
Thang máy cần có hệ thống cửa thang đạt chuẩn mới có thể sử dụng an toàn và hiệu quả. Quyết định chọn loại cửa thang máy nào cho thiết bị thang máy của mình cần cân nhắc kỹ để có lựa chọn đúng đắn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sử dụng